1520093
We have: 1 guest online
Today: Tue 12, 2023
Với các sản phẩm bất động sản xanh, kiên định phát triển sản phẩm theo phân khúc giá trị, Phúc Khang đang khẳng định hướng đi đúng với Triết lý “bền vững” - “trách nhiệm”. Xung quanh nội dung này, bà LƯU THỊ THANH MẪU - Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Phát triển Phúc Khang (Phúc Khang Corporation), đã trò chuyện cùng phóng viên Tạp chí Xây dựng.
* Lý do nào bà chọn phát triển Công trình Xanh trên lĩnh vực Bất động sản?
- Việt Nam cũng là nước chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ là 1 trong 5 quốc gia phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thời gian con người chúng ta sống, phần lớn trong những công trình xanh, nhưng lối sống xanh ở Việt Nam mới chỉ ở kỳ phôi thai. Theo một thống kê thì ở Việt Nam có 146 Công trình xanh (CTX) với 3,2 triệu m2 sàn được chứng nhận, nhưng ở Singapore, một quốc gia cũng có cùng khởi điểm phát triển CTX như chúng ta (2005 - 2007) thì đến cuối năm 2019 hơn 40% tòa nhà ở Singapore đã đạt chứng chỉ Green Mark, dự kiến đến năm 2030, sẽ nâng lên 80% tòa nhà đạt chứng chỉ CTX. Chính vì vậy, phát triển công trình xanh là một xu hướng tất yếu trong lĩnh vực phát triển Bất động sản nói riêng và ngành Xây dựng tại Việt Nam nói chung.
Triết lý “bền vững” của Tập đoàn luôn gắn liền với “trách nhiệm”. Bởi Phúc Khang cho rằng, cốt lõi của mọi phát triển bền vững phải bắt đầu từ phát triển có trách nhiệm, theo tiêu chí riêng của PKG nhưng cũng gắn kết với định hướng chiến lược phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (LHQ) như: Xây dựng chất lượng cuộc sống khoẻ mạnh; Chất lượng giáo dục; Nước sạnh và vệ sinh; Năng lượng sạch và bền vững; Đô thị và cộng đồng bền vững; Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm; Hành động ứng phó biến đổi khí hậu; Tài nguyên nước; Tài nguyên đất… Đồng thời, khái niệm công trình xanh, công trình bền vững, thiết kế bền vững đã phổ biến, trở nên quen thuộc và gần gũi hơn với chúng ta, đặc biệt là trong môi trường giáo dục ở các khối chuyên ngành Kiến trúc, Xây dựng... Cũng vì thế mà ở vai trò của Nhà phát triển dự án “Tiên phong và thúc đẩy việc kiến tạo một phong cách sống tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái nhân văn bền vững theo chuẩn mực xanh toàn cầu”, Phúc Khang vừa thấu hiểu được những nhu cầu thực tế của khách hàng - người tiêu dùng sản phẩm nhà ở, và cũng trăn trở với những thách thức của người làm sản phẩm “xây dựng Xanh” để đi tìm định hướng đúng đắn cho hành trình Xanh với những giá trị nhân văn bền vững của chính mình.
* Những doanh nghiệp có doanh thu hàng đầu về Bất động sản, họ cũng chưa làm Công trình Xanh, bà có cho rằng sự “dấn thân” này quá mạo hiểm?
- Tôi cho rằng, không có điều gì là mạo hiểm hay không mạo hiểm, mà quan trọng là Phúc Khang đang hành động thực tiễn phụng sự cộng đồng của mình theo triết lý “Sáng tạo vị nhân sinh”, vì một Việt Nam xanh hơn và bền vững hơn. Chiến lược phát triển của Phuc Khang Corporation là gắn liền với 3 chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó, nền kinh tế cacbon thấp và tăng trưởng xanh như là nguyên tắc đạt được phát triển bền vững (phát triển có trách nhiệm). Triết lý kinh doanh của Phúc Khang là hướng tới Phân khúc giá trị và Phát triển bền vững, tức là chúng tôi không phát triển phân khúc thị trường theo “giá” (trung cấp hay cao cấp) mà chúng tôi kiên định phát triển sản phẩm theo phân khúc giá trị; khai mở những lối sống xanh chính phẩm, chuẩn mực toàn cầu, văn minh, nhân văn truyền thống và tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập, CNH - HĐH đất nước, tri thức và hàm lượng chất xám trong sản phẩm phải bắt đầu được hình thành. Và chỉ có điều đó mới giúp chúng ta hội nhập nhanh hơn, mới làm gia tăng nhanh giá trị của doanh nghiệp Việt Nam so với quốc tế, cùng đồng hành với Chính phủ để kêu gọi đầu tư quốc tế. Chỉ khi chúng ta có cùng giá trị sản phẩm và nguồn nhân lực, chúng ta mới có thể hợp tác bền vững với các đối tác nước ngoài và đưa đất nước phát triển đi lên.
Ở góc độ vĩ mô, hiện đại hóa liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trước tiên là theo đuổi văn minh vật chất, tương ứng với nó là kinh tế hiện đại, tiếp đến là theo đuổi văn minh tinh thần, tương ứng là xã hội hiện đại; các nước phát triển đang theo đuổi văn minh sinh thái, tương ứng là môi trường hiện đại. Như vậy, ở góc độ vi mô, Công trình xanh là văn minh sinh thái. BĐS dân cư của Phúc Khang góp phần vào hai mảng văn minh đô thị và văn minh cộng đồng; nghĩa là không chỉ góp phần quan trọng vào việc xanh hóa đô thị, mà còn xanh hóa tư duy, “xanh hóa GDP”. Phúc Khang Corporation tự hào đóng góp vào tiến trình chuyển đổi lối sống xanh, tiêu dùng thông minh và thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Căn hộ xanh theo tiêu chuẩn LEED (USGBC) và LOTUS (VGBC) đã chào đón hàng trăm cư dân tới sinh sống
* Nếu tính đến yếu tố kinh doanh, Phúc Khang chỉ cần chọn một tiêu chuẩn “nhẹ nhàng” trong số các tiêu chí về Công trình Xanh, tại sao Phúc Khang lại chọn tiêu chuẩn LEED - tiêu chuẩn được xem là khắt khe nhất?
- Trước khi xác định chiến lược đi theo công trình xanh, theo tiêu chuẩn xanh LEED (USGBC) - Tiêu chuẩn Công trình xanh đã được hơn 150 quốc gia trên thế giới áp dụng, Ban lãnh đạo Phúc Khang đã có những nghiên cứu thực tế ở các nước như Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Australia,... Bản thân tôi cũng đã mất rất nhiều thời gian để thuyết phục hội đồng quản trị và những đối tác đầu tiên của chúng tôi khi bắt đầu hành trình phát triển chuỗi công trình xanh theo tiêu chuẩn Quốc tế Diamond Lotus như CotecCons, Hòa Bình, Savills, Apave… Tôi nghĩ, công trình xanh các nước phát triển làm được thì mình cũng làm được. Ngoài đội ngũ chuyên gia là các tiến sĩ về công trình xanh đã được đào tạo từ nước ngoài luôn đứng bên cạnh làm cố vấn, chúng tôi còn thuê hẳn những chuyên gia về phát triển công trình xanh của Mỹ và Hồng Kông làm việc cho mình.
Làm công trình xanh chi phí ban đầu cao hơn so với công trình thông thường. Nếu chúng ta không tập hợp được lực lượng từ khâu thiết kế, thi công, vận hành đến cả khâu marketing và kinh doanh thì rất nguy hiểm. Do đó, Phúc Khang chọn cách làm việc nhóm để cùng nhau truyền thông, giúp nhau cùng làm việc, chứ không phải tạo ra những rào cản hay những nỗi sợ cho nhau trong nội bộ. Khi chúng tôi ngồi với các cố vấn, thì các phòng ban cũng ngồi cùng để cùng nhau nghe cùng một thông điệp, nghĩ cùng một giải pháp và cùng tìm một phương án, từ đó mới tạo ra được sự cải tiến tốt cho sản phẩm. Đó là cách tiết kiệm tốt nhất, vì tiết kiệm lớn nhất của doanh nghiệp suy cho cùng chính là tiết kiệm thời gian.
Làm công trình xanh đòi hỏi phải chú tâm đến nguồn nguyên vật liệu đúng với tiêu chí. Vì vậy, phải nghiêm túc với nhà cung cấp bằng cách đưa ra những tiêu chuẩn đối với họ. Nếu sản phẩm không đạt chuẩn thì sẵn sàng nói không và không có sự xem xét mối quan hệ gì ở đây. Chúng tôi cũng tiết kiệm ngay ở trong cách làm nhiều sản phẩm cho một dòng sản phẩm. Bạn làm một căn nhà xanh khác với làm 1.000 căn nhà xanh, làm 1.000 căn nhà xanh khác với 10.000 căn nhà xanh. Nghĩa là, bạn trả học phí một lần cho công trình xanh, nhưng có thể làm 10 công trình xanh và nhiều hơn thế nữa. Bạn có thể thuê một nhà tư vấn nhưng bạn có thể làm được rất nhiều công trình xanh. Chúng tôi không tăng giá thành mà sẽ tăng lợi nhuận thông qua các giải pháp tiết kiệm cộng với các bí quyết cải tiến sản phẩm. Tầm nhìn của Phúc Khang là làm công trình xanh nhưng giá cả phù hợp.
Và giờ đây, sự e dè, nghi ngại của những cộng sự, những đối tác lớn của chúng tôi đã chuyển hóa trở thành sự “chủ động” đề cập đến việc hợp tác chiến lược trong thời gian dài để tiếp tục phát triển công trình xanh, cộng đồng xanh cho tương lai. Sự ký kết hợp tác với tập đoàn hàng đầu Thế giới và Nhật Bản là Mitsubishi Corporation (Nhật Bản) và UL (Mỹ) cho chuỗi Diamond Lotus đã phần nào chứng minh được những giá trị trong triết lý kinh doanh của Phúc Khang đã được thấu hiểu và tôi tin rằng, đây chỉ là một sự khởi đầu của “mạng lưới hợp lực”. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để có thêm những cái bắt tay, những sự kết nối tạo nên một mạng lưới công trình xanh trên khắp Việt Nam và thế giới và giấc mơ về một đại dương xanh sẽ sớm trở thành hiện thực.
* Bà cảm nhận thế nào về sự đón nhận của khách hàng đối với sản phẩn Bất động sản tiêu chuẩn Công trình Xanh?
- Khi Phúc Khang bắt đầu bán căn hộ xanh đầu tiên, chúng tôi có làm một khảo sát, theo đó chỉ có 35% khách hàng dự kiến sẽ vào ở. Tuy nhiên, sau 1 năm, tỷ lệ lấp đầy là 84%, giá BĐS công trình xanh đã tăng 175%. Tôi nghĩ rằng, chính khách hàng đã góp phần làm tăng giá trị cho công trình. Nếu không có người đến ở, sẽ không tăng được các giá trị cộng đồng, thì chúng ta sẽ chỉ bán được BĐS với lời quảng cáo. Và tôi nghĩ rằng, chính điều đó đã khiến khách hàng tin tưởng lựa chọn các sản phẩm BĐS xanh của Phúc Khang và giúp tên tuổi của Phúc Khang đứng vững trên thị trường.
* Bà đặt kỳ vọng gì ở những Công trình Xanh mang thương hiệu Phúc Khang?
- Dĩ nhiên là mong muốn các công trình xanh được nhiều khách hàng tín nhiệm và ủng hộ bởi những giá trị bền vững, nhân văn và sinh thái của nó mang lại. Trong tương lai, Phúc Khang tiếp tục hợp tác với các đối tác để liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng các sản phẩm Bất động sản xanh chính phẩm của mình, đồng thời mong muốn xây dựng một cộng đồng xanh hạnh phúc, thịnh vượng và bền vững mà Phúc Khang là đơn vị tiên phong. Để có thể thực hiện những mong muốn ấy, Phúc Khang sẽ tiếp tục lan tỏa tư tưởng xanh, tinh thần xanh của mình tới nhiều các doanh nghiệp bạn và người dân cũng như các cơ quan Ban Ngành để xây dựng các chính sách quan tâm, thúc đẩy xu hướng công trình xanh, lối sống xanh để đạt được kết quả tốt hơn cho xã hội, cộng đồng.
* Trân trọng cảm ơn Bà!
04/08/2021
(Theo http://tapchixaydungbxd.vn/)