Tìm hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn vể xây dựng "triết lý phát triển" và "tiêu chí văn minh, hiện đại" của TP.HCM

Tìm hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn vể xây dựng "triết lý phát triển" và "tiêu chí văn minh, hiện đại" của TP.HCM

Tìm hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn vể xây dựng "triết lý phát triển" và "tiêu chí văn minh, hiện đại" của TP.HCM

Tìm hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn vể xây dựng "triết lý phát triển" và "tiêu chí văn minh, hiện đại" của TP.HCM

Tìm hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn vể xây dựng "triết lý phát triển" và "tiêu chí văn minh, hiện đại" của TP.HCM

Tìm hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn vể xây dựng "triết lý phát triển" và "tiêu chí văn minh, hiện đại" của TP.HCM

15/03/2021

TS. Nguyễn Hữu Nguyên; Uỷ viên BCH Hội Qui hoạch và Phát triển TP. HCM

 

“Triết lý phát triển” và “tiêu chí văn minh hiện đại” là hai lĩnh vực có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Một lĩnh vực mang tính lý luận- định hướng, một lĩnh vực mang tính cụ thể- lượng hoá các mặt đời sống kinh tế xã hội. Đây là hội thảo đầu tiên về chủ đề này nên tham luận xin trình bầy những suy nghĩ và nghiên cứu bước đầu có tính lý luận nhằm góp phần xác định những quan điểm cơ bản về xây dựng triết lý và tiêu chí-đây là việc đầu tiên nên làm trước khi tiến hành công việc cụ thể.

 

Giao thông hỗn loạn tại ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM), xe buýt trong vòng quay của xe máy -Quang Định

 

1-Tìm hiểu khái niệm và cơ sở lý luận về xây dựng “triết lý phát triển” của TP.HCM.

Khái niệm “Triết lý”(TL) được hiểu một cách giản dị là những lý lẽ hay lý luận về sự lựa chọn phương hướng phát triển và cách thức thực hiện mục tiêu. Ví dụ như câu nói nổi tiêng của chủ tịch HCM: “không có gì quý hơn độc lập tự do… thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ”- có thể coi đó là “triết lý tồn tại” của dân tộc VN trong hoàn cảnh đang đấu tranh giải phóng dân tộc. Tính triết lý ở đây là lý lẽ và quan niệm về giá trị cao quý nhất của độc lập tự do.

Triết lý có nhiều quy mô và cấp độ-từ một người, một gia đình,  một doanh nghiệp, đến một quốc gia, dân tộc đều có thể xây dựng triết lý riêng cho mình.

Triết lý sống hay triết lý phát triển là sản phẩm tư duy của con người, nó mang tính chủ quan nên có thể đúng hoặc sai-điều đó tùy thuộc vào năng lực tư duy và tính cách của những người xây dựng nên triết lý đó. Ví dụ: những người có lòng tự trọng cao thì theo triết lý “chết vinh hơn sống nhục”, những người có tư chất năng động, mạnh mẽ, thích cái mới thì theo triết lý “làm trai cho đáng nên trai, Phú Xuân đã tỏ, Đồng Nai cũng tường”, còn người không thích sự thay đổi thì theo triết lý “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn” ...

“Triết lý phát triển”(TLPT) của một thành phố được hiểu là những lý lẽ(hay lý do) lựa chọn hướng phát triển và cách thức phát triển. Nói cách khác là đưa ra câu trả lời: vì sao phát triển theo hướng này mà không phải là hướng khác, vì sao làm theo cách này mà không phải là cách khác. Nói cách khác phải là lý luận gắn với thực tiễn- chứ không phải là những câu nói quá cao siêu hay những ý tưởng quá “lãng mạn” và chung chung hoặc chỉ như một khẩu hiệu-mà phải đi vào hiện thực đời sống của các tầng lớp xã hội.

TLPT còn bao hàm ý nghĩa là sự xác định tính đặc thù và sắc thái riêng-tức là các mặt nổi trội của thành phố.

Xây dựng TLPT của thành phố không đồng nghĩa với việc xác định nhiệm vụ, phương pháp và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Ví dụ: nghị quyết của Đảng đã nêu là: xây dựng TP HCM thành trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật lớn nhất của đất nước, phải phát triển bền vững và toàn diện…đó là mục tiêu phát triển-còn TLPT là lý luận về cách thức thực hiện các mục tiêu đó.

Mỗi thành phố có những điều kiện khách quan và chủ quan khác nhau, những sắc thái văn hoá, lịch sử, năng lực, sở trường khác nhau nên triết lý phát triển cũng khác nhau do đó không thể sao chép của thành phố khác.

Như vậy muốn xây dựng TLPT cho TP HCM không thể dựa vào cảm tính hay ước mơ mà phải từ kết quả của sự nghiên cứu khoa học nghiêm túc trên những yếu tố cơ bản như: địa kinh tế, nguồn nhân lực, sắc thái văn hoá-xã hội, lịch sử, đặc trưng của môi trường sinh thái và tham khảo kinh nghiệm phát triển của các đô thị hiện đại trên thế giới để tìm lý lẽ của hướng phát triển tối ưu.

 

Về yếu tố địa kinh tế: so với các thành phố lớn của đất nước như HN, HP, ĐN, BH, VT…thì TP HCM là cửa ngõ thuận tiện và lớn nhất của VN đi ra với thế giới. Cảng SG đã có tuổi đời gần 150 năm và là địa chỉ quen thuộc của nhiều hãng tàu biển lớn của châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Úc…và rất gần gũi với các nước ĐNA. TP HCM còn nằm ở vùng “bản lề” của Nam bộ-một bên là miền đông có thế đất cao và bằng phẳng, có những con sông lớn-rất thuận lợi để phát triển công nghiệp. Một bên là miền tây-vùng châu thổ sông Cửu long với hệ sinh thái đặc biệt thích hợp với phát triển nông nghiệp nhiệt đới và phát triển ngành thủy hải sản. Yếu tố địa kinh tế này cho thấy vai trò cửa ngõ giao thương đường biển với quốc tế của thành phố có ưu thế vượt trội so với các vùng khác-do đó trong vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước thì chức năng thương mại, địch vụ tầm quốc gia và quốc tế quan trọng hơn chức năng sản xuất ra các sản phẩm công nghiệp hay nông nghiệp-vì các ngành công nghiệp nặng và quy mô lớn có ưu thế phát triển ở các tỉnh miền đông, còn nông nghiệp là ưu thế của miền tây.

Về nguồn nhân lực: TP HCM là đô thị đông dân nhất (khoảng 7 triệu), cũng là nơi thu hút nhiều nhất những người có trình độ cao về mọi mặt-như vậy ưu thế của TP HCM là năng lực giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học-kỹ thuật, tiếp thu, ứng dụng và phát triển công nghệ cao, tiếp thu các kiến thức quản lý kinh tế tiên tiến-ưu thế này vượt trội hơn so với việc cung cấp nguồn lao động phổ thông…vì các tỉnh Nam bộ còn thừa rất nhiều lao động.

 

Về sắc thái văn hoá, xã hội và lịch sử: TP HCM là địa bàn đa sắc tộc, đa nguồn gốc(từ 61 tỉnh thành trên cả nước và ngoại kiều), đa văn hoá, đa tín ngưỡng, đa nghề nghiệp…ở đây có tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội-từ những người “đạo cao đức trọng” đến những thành phần tệ nạn xã hội…Thành phố này là thuộc địa của thực dân phương tây sớm nhất và lâu nhất so với các thành phố khác của VN-thực dân Pháp trước đây muốn xây dựng SG thành “Paris nhỏ”- nên nhìn chung sắc thái văn hoá Sài Gòn ảnh hưởng phương tây nhiều hơn phương đông và nhiều hơn các đô thị khác ở Việt Nam-cả về lối sống, làm việc… và kiến trúc, quy hoạch đô thị.

Từ những đặc điểm trên ta cần lưu ý đến vấn đề bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc-cụ thể là không nên máy móc, cực đoan, không cần phải “phương đông hoá” một đô thị đã mang dáng dấp văn hoá phương tây từ lâu đời mà có thể theo xu hướng đa văn hoá cùng phát triển-điều đó phù hợp với đặc điểm và nguyện vọng của cư dân đa nguồn gốc, đa văn hoá.

 

Về môi trường sinh thái: TP HCM mang những nét đặc trưng của vùng sinh thái nhiệt đới gió mùa và vùng sông nước. Thời tiết chia thành hai mùa mưa nắng rõ rệt, nhiệt độ nóng ấm và nhiều nắng gió. Đặc điểm sinh thái này đòi hỏi thành phố phải có nhiều cây xanh và kiến trúc thoáng mát, cần nhiều không gian cho sinh hoạt công cộng và ngoài trời.

 

Về kinh nghiệm phát triển của các đô thị hiện đại trên thế giới: kinh nghiệm dễ thấy nhất là vấn đề phát triển dân số và chất lượng dân số: các “siêu đô thị” có dân số từ 10 triệu trở lên-đều không tránh khỏi sự quá tải về hàng loạt các vấn đề xã hội và kết cấu hạ tầng kỹ thuật như: tệ nạn xã hội vượt ra ngoài khả năng kiểm soát, thất nghiệp, nhà ở, ùn tắc giao thông, nguy cơ khủng bố, dịch bệnh, thảm hoạ môi trường…ngày nay khái niện văn minh hiện đại không còn đồng nghĩa với đông dân-thành phố của nền kinh tế tri thức cần chất lượng dân số hơn là số lượng. Như vậy TP HCM có nên trở thành đô thị siêu dân số không ?

***

Từ kết quả phân tích những mặt cơ bản nêu trên ta có thể đưa ra một phác thảo những nét chính về triết lý(lý luận) phát triển của TP HCM như sau: xây dựng thành phố HCM trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ hiện đại của quốc gia và quốc tế- trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật, ứng dụng, phát triển công nghệ cao- trung tâm giáo dục đào tạo trình độ quốc tế- một đô thị điển hình về kết hợp văn hoá đông tây- một đô thị xanh, sạch, đẹp- và không nên trở thành đô thị siêu dân số.

Muốn xây dựng thành công một thành phố văn minh hiện đại không thể chỉ dựa vào triết lý đúng mà còn phải đề ra hàng loạt những biện pháp cụ thể có tính kỹ thuật chứ không phải chỉ dừng lại ở ý tưởng hay khẩu hiệu-do đó cần phải xây dựng những tiêu chí cơ bản tạo thành trình độ văn minh hiện đại theo triết lý đã đề ra.

 

2-Khái niệm và cơ sở xây dựng “tiêu chí văn minh, hiện đại” của TP HCM.

“Tiêu chí” được hiểu là những tiêu chuẩn, định mức, định lượng và định tính cho từng sự vật cụ thể. Vậy tiêu chí văn minh hiện đại của TP HCM là một hệ thống các tiêu chuẩn, định lượng và định tính cho các mặt cơ bản của đời sống kinh tế, xã hội đô thị.

Xây dựng tiêu chí văn minh hiện đại cho một đô thị không có nghĩa là phải định mức chi tiết tất cả các hoạt động của đời sống thị dân mà chỉ xây dựng tiêu chí cho những mặt cơ bản-trên cơ sở đó từng mặt lại xây dựng các chỉ tiêu chi tiết hơn để thực hiện tiêu chí đó.

Các tiêu chí không cố định, bất biến mà được nâng cao dần theo trình độ phát triển kinh tế xã hội của thành phố và trình độ phát triển của các đô thị trên thế giới.

Các tiêu chí phải mang tính thực tế, khả thi chứ không phải là đưa ra những số liệu tối đa hay theo cảm tính-ví dụ không thể đưa ra tiêu chí “không kẹt xe”, đồng thời cũng tránh xu hướng sao chép tiêu chuẩn của đô thị nước ngoài.

Khái niệm “văn minh, hiện đại”có hai vế: “văn minh” dùng để chỉ về trình độ văn hoá và tính nhân văn, “Hiện đại” dùng để chỉ trình độ tiên tiến của cơ sở hạ tầng, kỹ thuật. Hai vế này có tính tương tác nhưng không hoàn toàn gắn liền với nhau-ví dụ: một thành phố có thể rất hiện đại về cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhưng có tỷ lệ cao về nghèo đói, thất nghiệp và tội phạm-thì chưa đạt tiêu chí văn minh. Ngược lại thành phố có đời sống xã hội khá ổn định, ít thất nghiệp, ít tệ nạn xã hội…nhưng lại thiếu dịch vụ hiện đại, luôn kẹt xe và ngập lụt thì thì chưa đạt tiêu chí hiện đại. Tình trạng này còn khá phổ biến hiện nay ở nhiều đô thị trên thế giới.

Để xây dựng những tiêu chí cụ thể cho từng mặt của đời sống đô thị hiện đại cần phải khảo sát thực tế, nghiên cứu, đánh giá và dự báo phát triển-nói cách khác phải là một công trình nghiên cứu quy mô lớn, tập trung nhiều chuyên gia của nhiều ngành mới có thể thực hiện được-vì vậy tham luận này chưa thể đưa ra những tiêu chí cụ thể mà chỉ nêu những vấn đề cần xây dựng tiêu chí và xây dựng theo định lượng hay định tính.

Các tiêu chí về văn minh, văn hoá :

Tiêu chí về ổn định xã hội: không có xung đột lớn về sắc tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, tỷ lệ và quy mô các cuộc đình công, bãi công ?

Tiêu chí dân chủ: tính theo tỷ lệ dân số hài lòng đối với cách giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội của chính quyền thành phố-tỷ lệ này có thể tham khảo các thành phố ổn định nhất trên thế giới và biện pháp xác định là tiến hành thăm dò dư luận xã hội.

Tiêu chí dân số, an sinh và công bằng xã hội: dân số tối đa ? tỷ lệ chất lượng ? tỷ lệ đói nghèo, thất nghiệp, trẻ em đường phố và khoảng cách giàu nghèo, chỉ số chất lượng sống.

Tiêu chí luật pháp và hành chính: tỷ lệ các vấn đề đã được luật hoá và tính chặt chẽ của các quy định ? Thời gian tối đa cho việc giải quyết các loại thủ tục ? Tỷ lệ áp dụng “chính phủ điện tử” ? Tỷ lệ người dân hài lòng với việc giải quyết thủ tục hành chính của chính quyền ?

Tiêu chí về văn hoá, xã hội: tính theo tỷ lệ người nghiện hút ma tuý, mại dâm, băng đảng tội phạm và nạn tham nhũng.

Như vậy “thăm dò dư luận” vừa là biện pháp quan trọng để lượng hoá các tiêu chí, vừa là một tiêu chí cơ bản về văn minh, văn hoá của đời sống xã hội đô thị hiện đại vì nó thể hiện tính dân chủ cao.

 

3- Những tiêu chí của thành phố hiện đại.

- Tiêu chí về kinh tế: có cơ cấu kinh tế và tỷ trọng phù hợp với triết lý phát triển, có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.

Tiêu chí quy hoạch: có quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngắn hạn và dài hạn phù hợp với triết ly phát triển đã xác định. Tiêu chí này tính theo tỷ lệ các vấn đề đã được quy hoạch và tính khoa học của ý tưởng quy hoạch.

Tiêu chí hạ tầng giao thông: tính bằng tỷ lệ diện tích giành cho giao thông, hoặc chỉ số diện tích đường giao thông trên đầu phương tiện, tỷ lệ thời gian kẹt xe, năng lực vận tải biển, bốc dỡ hàng (tấn/năm)

Tiêu chí trình độ dịch vụ: tính theo tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại, Internet, khả năng thanh toán của ngân hàng đối với trong nước và quốc tế, sức chứa tối đa của các khách sạn, tỷ lệ khách sạn cao cấp…

Tiêu chí về kiến trúc và cư chú: tính theo tỷ lệ “nhà ổ chuột”, chỉ số trung bình đầu người trên mét vuông nhà ở.

Tiêu chí về giáo dục, y tế: tính theo tỷ lệ khả năng đào tạo trên nhu cầu học tập, tỷ lệ các trường học đạt chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế, tỷ lệ giáo viên trên học sinh, tỷ lệ Bác sỹ trên đầu người, tỷ lệ giường bệnh trên dân số, tỷ lệ bảo hiểm y tế.

Tiêu chí về sinh hoạt văn hoá: tính theo tỷ lệ dân số sử dụng TV và các các phương tiện nghe nhìn,  khả năng phục vụ của các cơ sở văn hoá, chỉ số diện tích giành cho sinh hoạt công cộng.

Tiêu chí về môi trường sinh thái: tính theo chỉ số ô nhiễm không khí, ô nhiễm mặt đất và ô nhiễm nước trong sông rạch, tỷ lệ diện tích cây xanh, khả năng kiểm soát an toàn thực phẩm, khả năng khống chế dịch bệnh, khả năng chữa cháy, tỷ lệ diện tích ngập úng trong mùa mưa...

***

Trên đây là những nội dung chính về triết lý phát triển và những vấn đề cần xây dựng tiêu chí văn minh hiện đại của TP HCM. Các nội dung trên không hoàn toàn độc lập với nhau mà phải nằm trong một hệ thống cấu trúc, được sắp xếp theo những cấp độ ưu tiên khác nhau để bảo đảm sự phát triển cân đối, hài hoà của thành phố.