1506470
We have: 3 guests online
Today: Sun 09, 2023
Toàn cảnh công viên bến Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM sau khi được chỉnh trang - Ảnh: TỰ TRUNG
Một trong những người trăn trở cho việc tôn tạo, chỉnh trang cảnh quan dọc bờ sông Sài Gòn nhiều năm nay là kiến trúc sư Huỳnh Xuân Thụ - phó chánh văn phòng Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM. Ông Thụ chia sẻ:
- Có lẽ giờ không cần phải nói nhiều đến giá trị lợi ích, sự cần thiết, tầm quan trọng của việc quy hoạch, cải tạo chỉnh trang không gian công cộng dọc chiều dài bờ sông Sài Gòn, bởi nó được nói quá nhiều trong suốt mấy chục năm qua.
Vấn đề quan trọng là chính sách và giải pháp nào để càng nhanh, càng sớm có thêm nhiều không gian công viên công cộng dọc bờ sông được cải tạo, chỉnh trang như bến Bạch Đằng.
Nếu không có chính sách, việc tạo nên được một khu công viên nào đó trên bờ sông chỉ là ăn may, chờ vào sự thiện nguyện của doanh nghiệp.
Kiến trúc sư HUỲNH XUÂN THỤ
Quyết tạo bộ mặt mới cho hai bờ sông Sài Gòn
* Suốt mấy chục năm qua TP.HCM nói nhiều đến việc chỉnh trang, kết nối các không gian công cộng dọc sông Sài Gòn. Có một số ý tưởng táo bạo của tư nhân đề xuất nhưng chưa thành. Theo ông, vấn đề nằm ở đâu?
- Lãnh đạo nhiều thời kỳ nói đến việc chỉnh trang, cải tạo không gian dọc bờ sông Sài Gòn và đã có nhiều hội thảo cả quốc tế, trong nước cho thấy chính quyền, giới chuyên gia và người dân đã nhận thức quá rõ về ý nghĩa, giá trị, tầm quan trọng của dòng sông Sài Gòn và không gian dọc dòng sông này.
Vấn đề TP có quyết tâm làm không. Có nhận thức, có đề án, có chủ trương nhưng để thành hiện thực phải có quyết tâm đưa ra chính sách và giải pháp cụ thể.
* Việc cải tạo, chỉnh trang và đưa vào hoạt động công viên Bạch Đằng có phải là một tín hiệu cho thấy sự quyết tâm của TP?
- Tôi và kiến trúc sư Lê Văn Năm (nguyên Kiến trúc sư trưởng TP) từng dành nhiều ngày đi xe máy và vẽ quy hoạch bằng tay đoạn cảnh quan dọc bờ sông từ bến Nhà Rồng đến cầu Sài Gòn dài 5km.
Chúng tôi lúc đó tạm đặt tên cho đoạn đường này là con đường di sản của TP.HCM. Đặt vậy bởi đây là không gian cảnh quan nằm ở vị trí quan trọng và là cảnh quan có ý nghĩa quan trọng nhất của khu trung tâm, gắn với dòng sông Sài Gòn, một di sản thiên nhiên đặc biệt của TP.
Không gian cảnh quan này là di sản thiên nhiên, kiến trúc đô thị, lịch sử cách mạng... của TP.HCM, gắn liền với các di sản bến Nhà Rồng, cảng Sài Gòn, cột cờ Thủ Ngữ, quảng trường quanh tượng Trần Hưng Đạo...
Nhưng rồi suốt một thời gian dài việc cải tạo cảnh quan khu vực này giậm chân tại chỗ, mãi mới đây mới có đơn vị tư nhân tham gia để thành hình được một khu vực cảnh quan đẹp.
Cùng với đề án "Phát triển kè sông và kinh tế, dịch vụ ven sông giai đoạn 2020 - 2045" được UBND TP.HCM phê duyệt trước đó, việc chỉnh trang bến Bạch Đằng cho thấy sự quyết tâm mãnh liệt của lãnh đạo TP để tôn tạo, thay đổi bộ mặt cảnh quan dọc hai bên dòng sông di sản, đem lại cho người dân, du khách một không gian thơ mộng bên dòng sông lịch sử.
* Cũng có một số ý kiến cho rằng sau chỉnh trang, bến Bạch Đằng còn thiếu cây xanh và một số hạng mục, ý kiến ông như thế nào?
- Như tôi chia sẻ, bến Bạch Đằng là khu vực cảnh quan quan trọng bậc nhất bên sông Sài Gòn. Từ giá trị đó, giới chuyên gia và người dân sẽ có kỳ vọng cảnh quan công viên ở đây phải làm đẹp nhất, tốt nhất, ấn tượng nhất, hấp dẫn nhất và là biểu tượng dẫn dắt cho chuỗi cảnh quan dọc hai bờ sông sẽ hình thành theo sau đó.
Bến Bạch Đằng sau chỉnh trang tương đối đẹp, cùng với quảng trường quanh tượng Đức thánh Trần đang được cải tạo, chỉnh trang sẽ tạo nên không gian đô thị đẹp, ấn tượng cho khu vực này. Tuy nhiên thiết kế cảnh quan chưa hoàn hảo, thiếu không gian dịch vụ cho người dân.
Đặc biệt thiếu phương án giao thông kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ nên người dân muốn đi qua khu bờ sông còn khó khăn.
Toàn cảnh công viên bến Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM sau khi được chỉnh trang từ nguồn vốn xã hội hóa - Ảnh: TỰ TRUNG
Đưa chính sách để tư nhân làm
* Những hạn chế ông nêu trên của bến Bạch Đằng cho thấy vấn đề gì trong chủ trương cải tạo, chỉnh trang khu vực này, cũng như cảnh quan dọc hai bờ sông Sài Gòn?
- Một đơn vị tư nhân bỏ ra 26 tỉ đồng để cải tạo, chỉnh trang cảnh quan bến Bạch Đằng cần được khuyến khích và đây chính là chủ trương xã hội hóa. Vấn đề đặt ra sẽ có bao nhiêu đơn vị tư nhân chủ động tham gia vào công việc này.
Lãnh đạo TP đã có tầm nhìn, quyết tâm rất mạnh, vậy tới đây nên có chính sách xã hội hóa để tất cả các doanh nghiệp quan tâm đều chủ động tham gia vào việc cải tạo, chỉnh trang không gian công cộng dọc hai bờ sông.
Chính việc này sẽ tạo ra phong trào, một cuộc đồng khởi để phát triển về không gian công cộng nói chung và không gian dọc các bờ sông, bờ rạch nói riêng. Còn nếu không có chính sách, việc tạo nên được một khu công viên nào đó trên bờ sông chỉ là ăn may, chờ vào sự thiện nguyện của doanh nghiệp.
* Chính sách, giải pháp xã hội hóa mà ông đề cập là gì?
- Mấu chốt cuối cùng cần tháo gỡ vẫn là vấn đề tài chính. Nhận thức có rồi, quyết tâm có rồi, vậy làm sao để huy động nguồn tài chính để làm. Phải nhìn nhận thẳng, dù có chủ trương, quyết tâm nhưng ngân sách TP vô cùng khó khăn, phải ưu tiên để đầu tư các công trình trọng điểm hơn một công trình hay được gọi là "ăn chơi nhảy múa", không cấp bách. Vậy chỉ còn cách đưa ra cơ chế, chính sách xã hội hóa bền vững.
Chính sách ở đây là về kỹ thuật, tài chính, cơ chế tổ chức, khai thác, vận hành các không gian công cộng. Cơ chế, chính sách đó thấy rõ được giá trị, lợi ích thì doanh nghiệp sẽ nhảy vào.
Tức là tiếp tục thiết kế những đoạn cảnh quan dọc bờ sông còn lại, lập phương án xã hội hóa thông qua việc quy hoạch không gian đó phải có công trình dịch vụ trong các không gian công cộng để đấu giá tạo nguồn tài chính thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang.
Làm vậy sẽ tạo được động lực mới, doanh nghiệp chủ động đề xuất ý tưởng chỉnh trang, khai thác, vận hành không gian sau tôn tạo, chính quyền lắng nghe, quyết định.
Lấy ví dụ, trên bến Bạch Đằng nếu có quy hoạch dành 10 - 15% bề mặt không gian công cộng để xây các công trình dịch vụ cho doanh nghiệp được vận hành, khai thác, khi đó chắc chắn sẽ hấp dẫn doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Lâu nay, ngoài một vài dự án chỉnh trang lớn được thực hiện, chỉ một số khu vực do tư nhân phát triển dự án bất động sản thì không gian bờ sông ở đó mới được tôn tạo, chỉnh trang. Còn những khúc sông khác đang bị bỏ quên, chưa khai thác được giá trị. Nhà nước chỉ cần tạo ra những cơ chế, chính sách để tư nhân người ta làm, phát huy sáng tạo của toàn xã hội.
14/02/2022
Theo Tuổi trẻ Online